dd/mm/yyyy

Mường Nhé: Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chủ động, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã tổ chức hiệu quả các hình thức dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục ở địa phương.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Năm học 2022-2023, tổng số toàn huyện có 35 trường và 193 điểm trường; 675 lớp với 17189 học sinh; tăng 476 học sinh so với năm học trước; so với kế hoạch UBND tỉnh giao tăng 116 học sinh.

Đặc biệt, đối với giáo dục mầm non, mạng lưới quy mô trường, lớp liên tục phát triển, với tổng số 12 đơn vị trường, 121 điểm trường gồm cả trung tâm và điểm trường lẻ. Với hệ thống trường lớp dần đảm bảo, tỷ lệ huy động trẻ từ 0 đến 5 tuổi đạt 73,4% (vượt 1,3% so với kế hoạch). Trong đó, nhóm tuổi nhà trẻ 0-2 tuổi ra lớp đạt 34,7%; mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 99,3%;  trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%.

Mường Nhé: Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục   - Ảnh 1.

Trong một giờ học của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, xã Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Cũng theo ông Chuỳ, mặc dù năm học có nhiều thay đổi, song số lượng học sinh tại các cấp tiểu học, THCS được duy trì đảm bảo do thực hiện tốt công tác xã hội hoá và xây dựng mô hình trường bán trú. Với tổng số 12 trường, 72 điểm trường, huyện Mường Nhé đã đảm bảo cho hơn 7.000 học sinh theo học cấp tiểu học. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi huy động ra lớp đạt  99,99%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Với trên 4.300 học sinh học THCS, ngành duy trì tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào học lớp 6 đạt  96%; tỷ lệ 11-14 tuổi vào học THCS đạt 97,2%.

Mô hình trường học mới đối với cấp THCS được duy trì hiệu quả thông qua những sáng tạo trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tổ chức linh hoạt, đa dạng các hoạt động trên cơ sở lấy học sinh làm trung tâm. Qua đó tỷ lệ học sinh học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 đạt 99,6%.

Để đảm bảo điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh và đáp ứng yêu cầu chương trình mới, ngành Giáo dục Mường Nhé đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp. Đồng thời huy động, kêu gọi các nguồn xã hội hoá cùng chung tay hỗ trợ.

Mường Nhé: Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục   - Ảnh 2.

Giờ học ngoại khóa của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Pá Mỳ, xã Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Năm học 2022-2023 ngành Giáo dục Mường Nhé đã kêu gọi và phối hợp với các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm xây mới 33 phòng học, 06 phòng công vụ cho giáo viên, 31 công trình vệ sinh. Hàng trăm mét sân bê tông và các thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập; quần , áo, sách vở cho học sinh... Góp phần xóa nhà lớp học tạm tiến tới kiên cố nhà lớp học. Đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Dự án nuôi em thuộc nhóm tình nguyện Niềm tin, hỗ trợ ăn trưa cho học sinh, hỗ trợ nấu ăn cho giáo viên và hỗ trợ tiền ga phục vụ nấu ăn cho các điểm trường khó khăn với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều, toàn diện, theo ông Phạm Thiết Chuỳ, ngành Giáo dục địa phương phát động sâu rộng và phát huy tối đa hiệu quả của các phong trào thi đua. Cụ thể như: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học"; "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh"; thi đua "Hai tốt", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo"…

Ngoài ra, ngành còn quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên ngay từ đầu năm học, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy học. Duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trong toàn huyện.

Mường Nhé: Vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục   - Ảnh 3.

Ngoài giờ học trên lớp, các thầy cô tổ chức cho các em học sinh trồng rau, phục vụ cho bữa ăn bán trú. Ảnh: Thu Hường

Theo ông Chuỳ, công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 17/35 đạt 48,57% trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm triển khai, hướng dẫn và xét duyệt kịp thời chế độ chính sách của học sinh. Chỉ đạo tăng cường các giải pháp quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh nội trú dân nuôi. Các hoạt động phong trào được duy trì, tổ chức có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.

"Những sáng tạo và kết quả đạt được trong năm học qua tiếp tục được ngành phát huy tại năm học mới cũng như các năm học tiếp theo. Trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu giáo dục. Đặc biệt sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo viên và các phương pháp để duy trì sĩ số học sinh", ông Chuỳ cho hay.

Thu Hường