Mỗi hộ dân nông thôn TP.HCM dùng một điện thoại thông minh cùng "làm" nông thôn mới

Trần Cửu Long Chủ nhật, ngày 05/05/2024 07:58 AM (GMT+7)
TP.HCM đặt ra mục tiêu hỗ trợ mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số ở nông thôn để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới...
Bình luận 0

UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn TP đến năm 2025.

Mỗi hộ dân nông thôn TP.HCM dùng một điện thoại thông minh cùng "làm" nông thôn mới- Ảnh 1.

Kế hoạch là mỗi hộ dân nông thôn TP.HCM có ít nhất một điện thoại để làm nông thôn mới thông minh. Ảnh: T.Đ

Nhiều giải pháp làm nông thôn mới thông minh

Giải pháp đầu tiên TP.HCM thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới và cộng đồng dân cư.

Tại giải pháp này, TP cũng nhấn mạnh đến việc giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay về chuyển đổi số, thường xuyên đăng tải các tin, bài, nêu gương tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Kế hoạch chuyên đổi số…

Bên cạnh đó, TP sẽ đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp thành phố, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 ở cấp xã…

TP cũng sẽ thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; ứng dụng các giải pháp, nền tảng số cùng hình thức thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ công cụ phần mềm chuyển đổi số các hoạt động của các hợp tác xã…

Cùng với đó, TP đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số với các giải pháp nhằm đáp ứng cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa…

Cùng với những giải pháp này, TP còn xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, như rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... đầu tư vào khu vực nông thôn; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; huy động nguồn lực triển khai Chương trình; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới thông minh với 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin

Theo UBND TP, việc triển khai Kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dụng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Mỗi hộ dân nông thôn TP.HCM dùng một điện thoại thông minh cùng "làm" nông thôn mới- Ảnh 3.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dụng nông thôn mới thông minh. Ảnh: Nông dân huyện Nhà Bè, TP.HCM học bán hàng qua mạng. Ảnh: T.Đ

Cụ thể, đến năm 2025, TP có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên…

Phấn đấu 100% xã có các hợp tác xã, 80% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 70% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Có ít nhất 50% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Xây dựng và triển khai 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn...)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem